Theo dõi Khám phá những điều thú vị của Hà Nội Xem thêm

Lịch sử và kiến trúc độc đáo của Nhà thờ lớn Hà Nội

Nhà thờ lớn Hà Nội còn được biết đến với tên gọi Nhà thờ chính toà Thánh Giuse hay Nhà thờ chính toà Hà Nội, là một công trình kiến trúc độc đáo toạ lạc ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội. Nơi đây không chỉ là trung tâm sinh hoạt các nghi lễ của đồng bào Công giáo, mà còn là địa điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô, thu hút rất nhiều du khách tìm đến bởi vẻ đẹp kiến trúc và những câu truyện lịch sử gắn liền với thăng trầm của dân tộc Việt Nam.

Nào, chúng ta hãy cùng khám phá lịch sử và kiến trúc của Nhà thờ lớn Hà Nội có gì đặc biệt bạn nhé.

1. Lịch sử Nhà thờ lớn Hà Nội.

Nhà thờ lớn Hà Nội được xây dựng năm nào, do ai xây dựng và trong hoàn cảnh nào?

    Nhà thờ lớn Hà Nội được người Pháp xây dựng năm 1884, khánh thành năm 1887. Là một trong những công trình Thiên Chúa Giáo được xây dựng sớm nhất tại Hà Nội. Tính đến nay đã có tuổi đời 137 năm, trải dài qua 3 thế kỷ.

    Vậy có bao giờ bạn hỏi: ở ngay vị trí giữa trung tâm đất kinh kỳ này, khi chưa có Nhà thờ thì nơi đây đã từng tồn tại công trình gì không?

    Chúng ta sẽ cùng ngược dòng lịch sử để đi tìm câu trả lời nhé.

    Lịch sử hơn 100 năm của Nhà thờ lớn Hà Nội
    Vẻ đẹp cổ kính hơn 100 năm tuổi của Nhà thờ lớn Hà Nội

    Trước khi Nhà thờ lớn Hà Nội được xây dựng, thì nơi đây đã từng tồn tại một ngôi chùa cổ kính, tráng lệ, đồ sộ vào bậc nhất lịch sử Việt Nam, chùa có tên gọi là Chùa Báo Thiên. Chùa Báo Thiên được xây dựng năm 1056, dưới thời vua Lý Thánh Tông (vị vua thứ 3 của Triều đại Nhà Lý).

    Chùa Báo Thiên từng là ngôi chùa nổi tiếng ở kinh thành Thăng Long xưa, và được coi là quốc tự trong suốt gần 400 năm dưới 2 triều đại Nhà Lý và Nhà Trần. Trong khuôn viên chùa có một toà tháp cao được xây dựng vào năm 1057, gọi là Tháp Báo Thiên (Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp) – là một trong “An Nam tứ đại khí” (4 bảo vật quốc gia của nước Việt Nam ta).

    Đến thế kỷ 15, khi giặc Minh xâm lược nước ta, chúng đã phá huỷ Chùa và Tháp Báo Thiên để lấy đồng đúc vũ khí, đồng thời cũng nhằm làm mất đi một phần “nguyên khí” của dân tộc Việt Nam. Sau đó chùa đã được phục dựng, trùng tu, rồi lại bị phá huỷ nhiều lần.

    Kiến trúc độc đáo của Nhà thờ lớn Hà Nội
    Kiến trúc độc đáo của Nhà thờ lớn Hà Nội

    Khi Pháp xâm lược Việt Nam, năm 1873, Francis Garnier (một viên đại uý hải quân Pháp) thừa lệnh của Soái phủ Sài Gòn là đô đốc Dupré mang quân ra đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất. Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị thương và bị bắt, sau đó ông tuyệt thực cho đến chết.

    Chiếm được Hà Nội, Francis Garnier đã giao toàn bộ khuôn viên Chùa Báo Thiên cho người thông ngôn của mình là giám mục Paul-Francois-Puginier làm nhà ở và nơi làm việc tạm thời. Giám mục Puginier cho dựng mấy gian nhà gỗ trong khuôn viên chùa để làm nơi ở và làm việc. Dần dần nơi đây trở thành địa điểm sinh hoạt tôn giáo của những người theo đạo Công giáo quanh khu vực này.

    Khi Francis Garnier bị quân Cờ Đen phục kích giết chết, quân Pháp phải rút về miền Nam, trao trả Hà Nội lại cho triều đình Huế cai quản theo hòa ước 1874 (Giáp Tuất). Giám mục Puginier trở lại Sở Kiện ở và làm việc (Sở Kiện là trung tâm của giáo phận Tây Đàng Ngoài thời kỳ đó – nay là thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, Hà Nam). Mấy gian nhà gỗ trong khuôn viên Chùa Báo Thiên được các thầy kẻ giảng người Việt (thầy giảng đạo) trông coi và là nơi sinh hoạt tôn giáo của đồng bào giáo dân trong khu vực.

    9 năm sau, năm 1882, Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ 2, do chênh lệch về tương quan lực lượng mà không nhận được chi viện từ quân triều đình, thành Hà Nội nhanh chóng thất thủ. Tổng đốc Hoàng Diệu phẫn uất về sự bạc nhược của triều đình Huế và một số quan lại hèn nhát, ông đã treo cổ tự vẫn ngay trong thành.

    Hà Nội bị chiếm tái chiếm, Henri Riviere (đại tá hải quân Pháp – người chỉ huy trận đánh chiếm thành Hà Nội lần 2) sai phá hủy các cổng và tường thành, ném hết đại bác trên thành của ta xuống hào. Các chùa, miếu quanh thành cũng bị phá, vừa để lấy gỗ, gạch làm công sự, vừa là để thực hiện chủ trương triệt hạ nền văn hóa cổ truyền bản địa và độc tôn Thiên Chúa giáo.

    Năm 1883 quân Cờ Đen phục kích giết chết đại tá Henri Riviere và tiến hành tấn công những nơi có quân Pháp đồn trú. Tại khuôn viên Chùa Báo Thiên, Pháp cho một tiểu đội đóng quân cùng với một số giáo dân được trang bị vũ khí làm vệ binh. Khu vực này bị tấn công và đốt phá, mấy gian nhà gỗ bị đốt cháy, những phần còn lại khác của chùa Báo Thiên cũng bị phá huỷ.

    Sau đó quân Pháp được tăng viện, chiếm lại khu đất này. Giám mục Puginier muốn xây mới lại khu vực này thành nơi hoạt động Công giáo với một nhà thờ to rộng, kiên cố, nên đã bàn với Thống sứ Bonnal (một viên chức người Pháp đứng đầu xứ bảo hộ Bắc Kỳ giai đoạn 1886 – 1887) và được chấp thuận. Bonnal giao cho tổng đốc Nguyễn Hữu Độ giải quyết vấn đề hợp thức hoá về pháp lý và dư luận, để bàn giao khu đất này cho Giám mục Puginier xây dựng nhà thờ.

    Kiến trúc bên trong Nhà thờ lớn Hà Nội
    Bên trong Nhà thờ lớn Hà Nội

    Năm 1884, Nhà thờ lớn Hà Nội được khởi công xây dựng. Để có kinh phí xây dựng một nhà thờ quy mô lớn, kiên cố. Giám mục Puginier đã xin chính quyền bảo hộ Pháp cho tổ chức mở quay xổ số và đã quyên góp được khoảng 30.000 Franc, cùng với huy động các nguồn tài trợ khác. Sau gần 4 năm xây dựng, Nhà thờ được khánh thành vào dịp lễ giáng sinh năm 1887, với tổng kinh phí khoảng 200.000 Franc.

    2. Khám phá kiến trúc độc đáo Nhà thờ lớn Hà Nội

    Ý tưởng về lối kiến trúc để xây dựng Nhà thờ lớn Hà Nội được Giám mục Puginier lấy cảm hứng từ hình mẫu của các nhà thờ ở Châu Âu, đặc biệt là Nhà thờ Đức Bà Paris, với phong cách kiến trúc Gothic, lối kiến trúc được thịnh hành ở Châu Âu thế kỷ 12. Tuy nhiên, Nhà thờ lớn Hà Nội không chỉ giới hạn ở việc sao chép hình mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris mà có sự điều chỉnh để phù hợp với đặc thù địa lý, khí hậu, văn hoá của Việt Nam. Điều đó đã làm nên nét độc đáo riêng biệt của kiến trúc Nhà thờ lớn Hà Nội.

    Kiến trúc Gothic của Nhà thờ lớn Hà Nội
    Nhà thờ lớn Hà Nội mang phong cách kiến trúc Gothic

    Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m. Mặt tiền là hai tháp chuông 2 bên, vuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Ở mặt chính giữa Nhà thờ là cửa sổ hoa hồng, phía trên là tượng Thánh Giuse, bên trên được gắn chiếc đồng hồ lớn, trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá, tạo điểm nhấn độc đáo, là biểu tượng của các nhà thờ Thiên chúa giáo.

    Phía sảnh bên trong Nhà thờ lớn Hà Nội có một cửa đi lớn ở chính giữa, hai cửa nhỏ hai bên tháp. Các cửa đi và cửa sổ đều có dạng mái vòm uốn nhọn, hướng lên trời, một phong cách đặc trưng của kiến trúc Gothic.

    Khu ban thờ bên trong Nhà thờ lớn Hà Nội
    Khu ban thờ bên trong Nhà thờ lớn Hà Nội

    Về cơ bản Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Gothic. Tuy nhiên, vẫn có sự kết hợp với kiến trúc bản địa, thể hiện ở hệ thống mái ngói đất nung bên ngoài và hệ thống nội thất bên trong mang đậm chất văn hoá Việt Nam. Trong khu cung thánh và các ban thờ trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt, được chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất tinh sảo, độc đáo. Ở tòa gian chính có tượng thánh Giuse bằng đất nung cao hơn 2m. Hệ thống cửa sổ được trang trí bằng các bức tranh thánh bằng kính màu rất đẹp và hài hòa, vừa tạo ra nguồn ánh sáng tự nhiên vừa làm nổi bật sắc màu của các bức tranh. Sự kết hợp giữa lối kiến trúc Châu Âu với kiến trúc truyền thống Việt Nam đã tạo nên một sản phẩm thể hiện sự giao thoa văn hoá, nghệ thuật Đông – Tây đặc sắc.

    Tranh thánh  bên trong Nhà thờ lớn Hà Nội
    Các bức tranh thánh trên của sổ bên trong Nhà thờ

    Đặc biệt, Nhà thờ còn có bộ 5 quả chuông, có tuổi đời lên đến 137 năm (1887), gồm 4 quả chuông nhỏ và một quả chuông boòng lớn được treo trên 2 tháp. Nhìn từ ngoài vào, tháp bên phải treo 4 quả chuông nhỏ, trong đó có 3 quả được ngân vang hàng ngày theo từng giờ lễ; còn quả chuông được treo cao nhất – gọi là chuông buồn (có tiếng ngân trầm nhất) chỉ được đánh khi có một người công giáo trong giáo phận qua đời. Quả chuông lớn nhất được treo riêng bên tháp trái, nặng 4,5 tấn, phải dùng sức của 25 đến 30 người kéo, chuông có tiếng ngân vang xa bán kính vài km và chỉ được ngân lên mỗi khi có dịp lễ lớn. Ngoài ra hệ thống âm thanh của 5 quả chuông này còn được liên kết với chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền Nhà thờ, tạo ra tiếng chuông ngân vang khi cứ mỗi 15 phút đồng hồ lại báo giờ.

    Kiến trúc bên ngoài Nhà thờ lớn Hà Nội
    Khuôn viên phía sau Nhà thờ lớn Hà Nội

    Phía trước Nhà thờ là trung tâm quảng trường có tượng đài Đức Mẹ bằng kim loại, xung quanh nhà thờ có đường kiệu, bồn hoa và phía sau có hang đá.

    Bạn có quan tâm Kinh nghiệm thăm quan Nhà thờ lớn Hà Nội

    Leave a Reply