Cầu Long Biên là một trong những cây cầu lớn bắc qua Sông Hồng ở địa phận Hà Nội – Việt Nam. Điều đặc biệt, đây là cây cầu đã tồn tại xuyên qua 3 thế kỷ, là cây cầu sắt đầu tiên ở Việt Nam, từng là cây cầu có chiều dài đứng thứ 2 thế giới.
Cầu Long Biên đã cùng với người dân Thủ đô trải qua rất nhiều những biến cố thăng trầm của đất nước, giờ đây đã trở thành một biểu tượng nổi bật của Hà Nội. Khoác lên mình kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp cổ kính nhuốm màu thời gian, đây là một trong những công trình lịch sử thu hút rất nhiều du khách đến thăm quan và chiêm ngưỡng.
1. CẦU LONG BIÊN Ở ĐÂU.
Cầu Long Biên là cây cầu đường bộ, đường sắt bắc qua Sông Hồng, nối 2 Quận Hoàn Kiến và Quận Long Biên của Thủ đô Hà Nội.
Cụ thể:
– Phía Quận Hoàn Kiếm, Lối lên cầu: ngay ngã ba đường Yên Phụ – Trần Nhật Duật – Hàng Đậu.
– Phía Quận Long Biên, Lối lên cầu: ở đường Long Biên 1

2. VÌ SAO PHẢI THĂM QUAN CẦU LONG BIÊN.
Cầu Long Biên là cây cầu sắt đầu tiên ở Việt Nam và là cầu dài thứ 2 trên thế giới, chỉ sau cầu Brooklyn ở New York – Mỹ, thời kỳ cuối thế kỷ 19. Nó có giá trị văn hoá, lịch sử gắn với 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam. Là một biểu tượng nổi bật gắn liền với những thăng trầm của đất nước, là một di sản lịch sử quý giá cho những ai yêu thích tìm hiểu về lịch sử, văn hoá.
Cầu Long Biên có kiến trúc độc đáo, kết cấu toàn bộ bằng sắt – thép, các thanh sắt nối với nhau thành hình tam giác và hình chữa V, vừa tạo nên độ bền chắc vừa mang lại vẻ độc đáo riêng có, nhìn từ xa giống như hình con rồng đang uốn lượn vươn mình qua sông. Cầu được thiết kế với đường ray xe lửa ở giữa, 2 bên là đường bộ, đây là điểm khác biệt mà bạn sẽ khó tìm thấy ở những cây cầu khác.
Đứng trên cầu vào lúc bình minh hay hoàng hôn, bạn sẽ được ngắm cảnh mặt trời mọc hoặc lặn trên Sông Hồng. Thỉnh thoảng có những chiếc thuyền nho nhỏ chạy trên sông, tạo nên sự hoà nhịp giữa con người với cảnh sắc thiên nhiên thật hiền hoà, thơ mộng.
Đây là một trong những địa điểm chụp hình checkin không thể bỏ qua với bất cứ du khách nào khi đến với Hà Nội.
3. CẦU LONG BIÊN ĐƯỢC XÂY DỰNG KHI NÀO.
Cầu Long Biên được người Pháp chủ trương xây dựng năm 1898 và khánh thành năm 1902, do Công ty Daydé & Pillé xây dựng, đại điện chỉ huy công trình là kỹ sư Saint Fort Mortier.
Cầu Long Biên lúc đầu được thiết kế chỉ có làn đường sắt cho tàu hoả lưu thông. Mục đích để thuận tiện cho việc chuyên chở khoáng sản, vật liệu khai thác được từ các tỉnh phía Bắc đến cảng Hải Phòng, rồi đưa về chính quốc Pháp qua đường biển. Đồng thời cũng là con đường vận chuyển binh lính, vũ khí, đạn dược, nhu yếu phẩm…cần thiết lên các tỉnh phía Bắc và thông thương với Trung Quốc, nhằm phục vụ cho công cuộc bình định Bắc Kỳ của Thực dân Pháp.
Sau này, do nhu cầu đi lại, đến năm 1924 cầu được mở thêm 2 làn đường bộ 2 bên, cho phép ô tô, xe máy, xe đạp, người đi bộ lưu thông qua cầu.
Cầu lúc đầu có tên là Doumer, đặt theo tên của Toàn quyền Đông Dương – Paul Doumer, người đã chủ trương xây dựng công trình này, nhưng nhân dân ta hay gọi là cầu Sông Cái. Năm 1945, đốc lý Hà Nội là Bác sĩ Trần Văn Lai đổi tên thành Cầu Long Biên, và tên đó được sử dụng cho đến nay.
4. PHƯƠNG TIỆN ĐI ĐẾN CẦU LONG BIÊN.
Phương tiện cá nhân: Bạn có thể đi đến Cầu Long Biên bằng các phương tiện cá nhân: ô tô, xe máy, xe đạp.
Nhưng lưu ý, hiện nay do cầu yếu nên chỉ cho phép: xe máy, xe đạp, người đi bộ lưu thông qua cầu. Do đó, nếu bạn đi ô tô cá nhân thì hãy gửi xe gần lối lên cầu rồi đi bộ tới.
Các phương tiện công cộng: Taxi, xe ôm: Grabike, Be, Xanh SM…
Tàu hoả: một điều đặc biệt là với địa điểm này bạn có thể đi tàu hoả, nếu bạn xuất phát từ nơi thuận tiện có ga tàu, hành trình đi tới Ga Long Biên, xuống ga Long Biên là bạn sẽ thấy Cầu Long Biên ngay trước mặt.
Xe bus: Phương tiện công cộng giá rẻ mà cũng khá thuận tiện để đến đây là xe bus. Nếu di chuyển từ phía trung tâm thành phố để đến đây bằng xe bus, thì bạn yên tâm là có rất nhiều tuyến bus từ khắp mọi phía di chuyển đến bến xe bus trung chuyển Long Biên (trên đường Yên Phụ). Bạn di chuyển tới và xuống bến trung chuyển này, sau đó đi bộ về hướng đường Trần Nhật Duật (hướng đông) khoảng 500m là đến lối lên cầu Long Biên.
Bạn lưu ý tuyến đường này khá đông các phương tiện giao thông qua lại, đi bộ lên cầu bạn cần chú ý an toàn, nhất là khi sang đường.
Sau đây mình tổng hợp một số các xe bus dừng, đỗ đón, trả khách tại bến trung chuyển Long Biên để bạn tham khảo:
Bến trung chuyển Long Biên (trên đường Yên Phụ): Từ đây đi bộ đến lối lên cầu Long Biên khoảng 500m.
– Điểm E1.1, xe bus số: 04, 08A, 08B, 08ACT, 08BCT, 17, 36, 36CT, 47A, 54, 65, 98, 100,143, 146, E09.
– Điểm E1.2, xe bus số: 17, 42, 54, 98, 203, E09
– Điểm E1.3, xe bus số: 23,24, 31, 58, 69, E02
– Điểm E1.4, xe bus số: 50, 55A, 55B, 86, 86CT, E07
– Điểm E3.1, xe bus số: 01, 22, 31, 42, E02, E05
– Điểm E3.2, xe bus số: 24, 47A, 54, 69
– Điểm E3.3, xe bus số: 17, 98, 100, 143, E07, E09
– Điểm E3.4, xe bus số: 04, 08A, 08B, 08ACT, 08BCT, 36, 36CT, 55A, 55B, 65,86, 86CT, 146
Nếu đi xe bus mà xuống Quận Long Biên để lên cầu thì có các bus và điểm dừng đỗ sau:
- Xe bus 98, lộ trình từ đường Yên Phụ đi Aeon Mall Long Biên và ngược lại, đều có điểm xuống trước cổng Vườn Hoa Bắc Long Biên.
– Đi hướng từ Yên Phụ –> Aeon Mall Long Biên. Xuống xe tại Vườn Hoa Bắc Long Biên, đi ngược trở lại (hướng đông nam) khoảng hơn 100m, rẽ trái vào ngõ 2 đường Long Biên 1, đi khoảng 100, đến Sành café thì rẽ trái để lên cầu.
– Đi hướng từ Aeon Mall Long Biên –> Yên Phụ. Xuống xe tại điểm đối diện Vườn Hoa Bắc Long Biên, đi tiếp (hướng đông nam) khoảng 200m, rẽ trái vào ngõ 2 đường Long Biên 1, đi khoảng 100, đến Sành café thì rẽ trái để lên cầu.
- Xe bus 11, lộ trình Công viên Thống Nhất đi Học Viện Nông Nghiệp và ngược lại.
– Đi hướng từ Công viên Thống Nhất — > Học Viện Nông Nghiệp. Xuống xe tại điểm số 52 đường Ngọc Lâm, sang đường, đi vào Đường Long Biên 2 (hướng tây bắc), đi hết đường (500m), đến đoạn toà nhà Mipec, rẽ phải vào ngõ 2 đường Long Biên 1, đi khoảng 100, đến Sành café thì rẽ trái để lên cầu.
– Đi hướng từ Học Viện Nông Nghiệp — > Công Viên Thống Nhất. Xuống xe tại điểm 173 đường Ngọc Lâm. Xuống xe đi tiếp, rẽ phải vào đường Long Biên 1 (hướng tây bắc), cứ đi thẳng đường (500m) là đến cầu.
5. NHỮNG TRẢI NGHIỆM KHI THĂM QUAN CẦU LONG BIÊN.
– Với kiến trúc độc đáo và bề dày lịch sử, bạn có thể đi bộ trên cầu, ngắm nhìn, khám phá những chứng tích thời gian còn lưu dấu ở đây, để hiểu hơn về những giá trị của lịch sử đất nước.
– Đứng trên cầu ngắm bình minh hoặc hoàng hôn trên Sông Hồng
– Chụp những bức hình đẹp trên cầu, đường tàu, Ga Long Biên.
– Ngồi thưởng thức café ở những chiếc quán có view ngắm cầu cực chất, như: Hoả Xa café, Serein Café Lounge, Bridge Coffee ….
– Thưởng thức ngô, khoai nướng vào buổi tối
Bạn cần chú ý an toàn khi đi lại trên cầu, cũng như khi chụp hình, vì các phương tiện lưu thông rất đông, đặc biệt là khi tàu hoả đi qua.

6. THĂM QUAN CẦU LONG BIÊN THỜI ĐIỂM NÀO THÍCH HỢP.
Thời điểm trong năm: Đến nơi đây mỗi mùa sẽ có những sắc thái riêng để cảm nhận. Bạn nên đi vào những ngày trời nắng, đường xá khô ráo, sạch sẽ, an toàn cho việc đi lại, cũng như bạn sẽ có được những bức ảnh đủ ánh sáng đẹp.
Thời điểm trong ngày: Buổi sáng sớm lúc mặt trời mọc, hoặc lúc chiều buông là 2 thời điểm lý tưởng nhất để bạn có thể ngắm binh minh, hoặc hoàng hôn trên Sông Hồng, cũng như nhịp sống của người dân thủ đô.
7. NHỮNG ĐỊA ĐIỂM THĂM QUAN GẦN CẦU LONG BIÊN.
– Thăm quan, chụp hình Ga Long Biên
– Thưởng thức Café Hoả Xa, ngắm tàu, cầu và dòng người qua lại
– Thăm quan, chụp hình Tháp nước Hàng Đậu
– Thăm quan, chụp hình Vườn hoa Hàng Đậu
– Thưởng thức cafe trứng ở Café Giảng – đường Yên Phụ
– Ngắm và chụp hình ở Đường Phan Đình Phùng
– Đi dạo Phố Cổ và thưởng thức ẩm thực Hà Thành

LƯU Ý KHI THĂM QUAN CẦU LONG BIÊN:
- Cầu hiện nay chỉ cho phép các phương tiện: tàu hoả, xe máy, xe đạp, người đi bộ lưu thông. Do đó, nếu bạn đi ô tô cá nhân thì hãy gửi xe ở khu vực gần lối lên cầu và đi bộ tới.
- Cầu được xây dựng đã hơn 100 năm, do ảnh hưởng của thời tiết, chiến tranh nên có nhiều thanh sắt, mố nối bị hư hại. Bạn chú ý không tác động lên những khu vực đó, tránh làm hỏng kết cấu cầu và gây mất an toàn đối với chính bạn.

- Đi bộ hay chụp ảnh trên cầu bạn cần chú ý xe máy, xe đạp, tàu hoả lưu thông qua cầu để đảm bảo an toàn.
- Không xả rác bừa bãi để giữ gìn vệ sinh chung, góp phần làm cho Thủ đô sạch đẹp, văn minh hơn bạn nhé.
Chúc bạn khám phá được nhiều điều thú vị và ý nghĩa !!